Nguồn Single Rail, Multi Rail là gì?

Nguồn Single Rail, Multi Rail là gì

Các bộ nguồn của các hãng sản xuất được thiết kế theo các công nghệ khác nhau và mỗi công nghệ đều có ưu nhược điểm riêng, tuy nhiên, hiện nay phổ biến nhất là Multi Rail và Single Rail, dưới đây là sự khác biệt giữa các nền tảng này.

1. Nguồn Multi Rail là gì?

Nguồn Multi Rail là những bộ nguồn có đường 12V được chia thành nhiều nhánh nhỏ khác nhau với mức công suất khác nhau và tổng công suất của đầu ra đường 12V không vượt quá tổng công suất của bộ nguồn. Điều này đồng nghĩa với việc khi các bạn dùng bộ nguồn Multi Rail sẽ thấy hướng dẫn cụ thể công suất của từng đường 12V, các hãng sẽ thường ghi là: 12V1, 12V2, 12V3, 12V4…

Nguồn Multi Rail là gì

Thông thường, các bộ nguồn trước đây được sản  xuất theo thiết kế Multi Rail nhưng những bộ nguồn mới hiện nay cũng đang có xu hướng đi theo Multi Rail vì hệ thống Module. Khi đường điện 12V được phân bổ thành nhiều nhánh nhỏ thì các nhà sản xuất sẽ đạt được mục đích cụ thể là cung cấp đủ (hoặc dư) mức công suất cho từng linh kiện nhất định. Tuy nhiên, chúng gặp phải một vấn đề là việc chia nhỏ đường 12V khiến cho các đường được chia có mức công suất thấp và dễ bị “sụt áp” khi quá tải. Đặc biệt là chúng không hề linh động trong quá trình sử dụng các linh kiện khác nhau.

Ví dụ: Đường 12V1 đang cung cấp điện cho CPU và CPU chưa tiêu thụ hết công suất của đường 12V1, vẫn còn dư khoảng 50% công suất. Trong khi đó, đường 12V2 đang cung cấp điện cho GPU và chúng đang bị thiếu khoảng 10-20% công suất. Lúc này, chúng ta sẽ không có cách nào để chuyển 50% công suất dư của đường 12V1 sang đường 12V2 cả. Mặc định bộ nguồn sẽ tự tắt để bảo vệ cho các linh kiện.

Mặc định bộ nguồn sẽ tự tắt để bảo vệ cho các linh kiện

Đó là lý do tại sao chúng ta hay thấy các bộ nguồn Multi Rail bị sụt áp khi chưa đạt tới mức công suất tổng của bộ nguồn. Vấn đề bị sụt áp trên nguồn Multi Rail xuất phát từ công suất nhánh 12V bị chia quá tải chứ không phải nguồn bị quá tải công suất tổng. Tuy nhiên, các bộ nguồn hiện đại ngày nay đã mở giới hạn công suất đường 12V bị chia lên rất cao và chúng đã xử lý được những vấn đề của trước đây. Các bộ nguồn 700W hiện nay có đường 12V1/ 12V2 rơi vào khoảng 35A, nếu quy đổi thành công suất thì ~420W, đủ để dùng tất cả các sản phẩm công nghệ hiện đại nhất ngày nay như RTX 3090 của Nvidia hay RX 6900 XT đến từ AMD.

2. Nguồn Single Rail là gì?

Nguồn Single Rail là gì

Nguồn Single Rail hay còn được gọi là nguồn đường đơn, đường một có nghĩa là bộ nguồn chỉ có duy nhất một đầu ra 12V cho toàn bộ các linh kiện sử dụng chung. Ưu điểm của nguồn Single Rail đó chính là các linh kiện sử dụng đường 12V có thể khai thác triệt để công suất tổng của bộ nguồn. Những bộ nguồn Single Rail được biết đến với mức công suất đường 12V luôn luôn bằng tổng công suất của bộ nguồn hoặc gần bằng.

Ví dụ: Một bộ nguồn Single Rail có công suất 700W thì đường 12V luôn có khả năng cung cấp công suất trong khoảng 600-700W.

Những bộ nguồn Single Rail được cho là dễ dàng sử dụng hơn vì người sử dụng chỉ cần cắm nguồn sao cho công suất các linh kiện không vượt quá công suất tổng của bộ nguồn. Trong khi đó bộ nguồn Multi Rail phải xem công suất của từng đường 12V phụ đề cắm linh kiện sao cho hợp lý, tránh hiện tượng sụt áp. Chính vì lý do đó mà nguồn Single Rail được nhiều người sử dụng lựa chọn, chúng linh hoạt trong mọi công việc sử dụng.

Nguồn Single Rail được nhiều người sử dụng lựa chọn

Tuy nhiên, nguồn Single Rail cũng có một số nhược điểm như sau: Nếu đường 12V chính bị hỏng thì đồng nghĩa với việc toàn bộ nguồn bị hỏng, công nghệ bảo vệ OCP (Over Current Protection - chế độ bảo vệ quá dòng) hoạt động không “nhạy” do tải của đường 12V là tổng các linh kiện,…

3. Tóm lại

Nhìn chung, bộ nguồn Single Rail chỉ phù hợp với những sản phẩm phổ thông và hướng tới người sử dụng không đòi hỏi quá nhiều về công nghệ. Trong khi đó những bộ nguồn Multi Rail hướng đến những bộ nguồn có công suất lớn, nhiều công nghệ bảo vệ, phân bố công suất chuẩn cho các linh kiện. Song song với những điều đó, mức giá của nguồn Multi Rail cũng đắt hơn rất nhiều so với nguồn Single Rail vì chúng phải sử dụng thêm rất nhiều mạch in công suất.

Có một số bộ nguồn cao cấp hỗ trợ chuyển đổi giữa chế độ Multi Rail và Single Rail

Hiện nay, có một số bộ nguồn cao cấp hỗ trợ chuyển đổi giữa chế độ Multi Rail và Single Rail để người sử dụng có thể sử dụng được trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, những bộ nguồn đó có mức giá rất cao và mức công suất của chúng cũng tương đối lớn.

Trong bài viết này, Thủ thuật phần mềm đã chia sẻ đến các bạn các kiến thức liên quan đến nguồn Single Rail và Multi Rail. Chúc các bạn một ngày vui vẻ!

Viết bình luận