Bootstrap là gì? Tại sao nên sử dụng Bootstrap khi thiết kế Website?

Nếu đang theo học lập trình web, bạn không thể không biết đến Bootstrap – một người bạn đắc lực của các lập trình viên. Vậy cụ thể Bootstrap là gì? Những ưu điểm của nó trong việc thiết kế website? Bài viết dưới đây sẽ giải thích cho bạn.

Bootstrap là gì?

Trước đây, khi thiết kế các trang web chuyên nghiệp, để trang web đó hiển thị đẹp mắt trên cả máy tính và thiết bị di động (kích thước màn hình khác nhau), người ta thường phải tạo hai project riêng biệt. Mỗi project là một ứng dụng web phục vụ cho một loại thiết bị. Cách làm như vậy khiến việc bảo trì và nâng cấp trang web gặp khó khăn, bởi các lập trình viên phải thực hiện điều đó cho cả hai project. Không chỉ vậy, chúng còn đòi hỏi phải được triển khai trên hai tên miền khác nhau.

Bootstrap là gì? (1)

Trước đây, không dễ để tạo một trang web tương thích với mọi kích thước màn hình

Đặc biệt trong những năm gần đây, xu hướng của người dùng đang ngày càng ưa chuộng các thiết bị di động cầm tay như máy tính bảng và điện thoại. Trước thực tế đó, cần phải có một giải pháp để giúp các trang web sau khi thiết kế có khả năng tương thích trên mọi loại thiết bị. Và Bootstrap đã được tạo ra.

Bootstrap là một framework miễn phí và mã nguồn mở, dựa trên HTML, CSS và JavaScript, phục vụ cho việc phát triển web front-end có tính responsive (tương thích với mọi loại thiết bị có kích thước màn hình khác nhau). Nó chứa các mẫu thiết kế dựa trên JavaScript và CSS cho typography, form, button, navigation và các thành phần giao diện khác.

Bootstrap là gì? (2)

Tại sao nên sử dụng Bootstrap khi thiết kế web?

Ngày nay Bootstrap là một trong những framework được sử dụng nhiều nhất trên thế giới trong việc thiết kế các trang web responsive. Nó đã trở thành một tiêu chuẩn riêng trong lĩnh vực lập trình web (bởi vậy nên người ta thường dùng từ “chuẩn Bootstrap”). Những ưu điểm dễ nhận thấy khi sử dụng Bootstrap là:

- Tiết kiệm thời gian, dễ sử dụng: Chỉ cần người dùng có kiến thức cơ bản về HTML, CSS và JavaScript là đã có thể sử dụng. Bạn không phải dành thời gian để viết mã, chỉ cần sử dụng các lớp và mẫu thiết kế được định nghĩa từ trước của Bootstrap.

- Khả năng tuỳ chỉnh: Một lợi thế của Bootstrap là nó cung cấp nhiều cách để tùy chỉnh, giúp bạn có thể biến nó thành của riêng mình. Bạn có thể chọn giữ lại những gì cần thiết và bỏ đi những gì không cần thiết.

- Hệ thống grid tuyệt vời: Tạo bố cục trang cần một grid tốt, và Bootstrap có lợi thế này: một trong những hệ thống grid responsive tốt nhất. Nó rất dễ sử dụng và nếu bạn cần làm việc thông qua các cột, sử dụng Bootstrap chính là lựa chọn đúng đắn cho bạn.

- Tính nhất quán: Một trong những vấn đề mà Bootstrap giải quyết ngay từ đầu là sự không nhất quán giữa các nhà thiết kế và nhà phát triển làm việc trong các dự án của họ. Bootstrap đóng vai trò như một bộ code phát triển trung tâm giải quyết các vấn đề giữa phương diện phát triển và phương diện người dùng cuối. Kết quả của Bootstrap là thống nhất cho mọi nền tảng, giống nhau trên tất cả các trình duyệt.

- Khả năng Responsive: Sự cần thiết phải có một trang web responsive là rất quan trọng. Việc tạo các trang web sẵn sàng cho thiết bị di động trở nên rất dễ dàng với Bootstrap nhờ bố cục grid điều chỉnh linh hoạt với độ phân giải màn hình phù hợp.

- Khả năng tương thích: Bootstrap tương thích với hầu như tất cả các trình duyệt hiện đại. Bootstrap được trang bị các yếu tố đang được coi là tương lai của ngành thiết kế web. Ví dụ: cả HTML5 và CSS3 là những thứ sẽ trở nên quan trọng trong tương lai. Các plugin như HTML5Shiv và Respond.js là một phần của mẫu mặc định Bootstrap. Chúng hỗ trợ trong việc chuyển các phần tử HTML5 vào các trình duyệt cũ hơn không có HTML5.

- Tài liệu: Một ưu điểm khác khi dùng Bootstrap là đã có tài liệu sẵn để học, cùng với những ví dụ và các bản demo ấn tượng sẽ giúp cho người mới làm quen sử dụng dễ dàng hơn.

- Nguồn mở: Một trong những lý do chính để sử dụng Bootstrap là trên thực tế, nó là một dự án nguồn mở được lưu trữ trên Github. Bạn không phải đối mặt với các vấn đề mua bản quyền, đồng thời bạn còn được phép tự do thay đổi nó theo cách bạn muốn.

Sau bài viết này, bạn đã hiểu Bootstrap là gì và tại sao nên sử dụng Bootstrap khi thiết kế web rồi phải không? Hi vọng những thông tin vừa chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn, đồng thời chúc bạn sớm sử dụng thành thạo Bootstrap để tạo ra những trang web thật đẹp mắt nhé!

Viết bình luận