Board Game là gì?

Xuất hiện từ xa xưa, và giờ đây Board Game đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ bởi sự thú vị, tính giải trí cao và khả năng gắn kết những người chơi với nhau. Chắc chắn rằng ai trong số chúng ta cũng đã từng chơi một Board Game nào đó. Vậy Board Game là gì? Có những loại Board Game nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé.

Board Game là gì

Board Game là gì?

Board Game là dạng trò chơi trên bàn bao gồm các "mảnh" được di chuyển hoặc đặt trên một bề mặt hay "bảng", cần tuân theo một bộ các quy tắc để chơi. Một số trò chơi dựa trên chiến thuật thuần túy, nhiều trò chơi chứa yếu tố may rủi; và một số hoàn toàn phụ thuộc vào xác suất, không có yếu tố kỹ năng.

Các trò chơi Board Game thường có một mục tiêu mà người chơi phải nhắm đến. Những Board Game đầu tiên thường đại diện cho một trận chiến giữa hai đội quân, và hầu hết các Board Game hiện đại vẫn dựa trên việc đánh bại đối thủ về mặt đối kháng, đến được vị trí chiến thắng hoặc tích lũy điểm.

Có rất nhiều loại Board Game, chúng có thể không mang chủ đề nào hết như Checkers (cờ đam), hoặc mang một chủ đề cụ thể như Cluedo. Độ phức tạp trong quy tắc chơi cũng khác nhau, từ mức độ rất đơn giản như Gomoku (cờ Caro), đến những quy tắc tưởng chừng như mô tả cả một vũ trụ trò chơi, tiêu biểu là Dungeons & Dragons - mặc dù hầu hết các trò chơi sau này đều là nhập vai, trong đó "Board" (bảng, hay bàn chơi) là thứ yếu của trò chơi, phục vụ cho việc hình dung kịch bản trò chơi.

Dungeons & Dragons

Dungeons & Dragons

Thời gian cần thiết để học chơi hoặc thành thạo một trò chơi là khác nhau rất nhiều tuỳ thuộc vào trò chơi đó là gì, nhưng không nhất thiết phải tương quan với số lượng hoặc độ phức tạp của các quy tắc. Ví dụ, các trò chơi như cờ vua hoặc cờ vây sở hữu bộ quy tắc tương đối đơn giản, nhưng lại có chiều sâu chiến thuật lớn.

Yếu tố chiến thuật, may mắn và "ngoại giao"

Một số trò chơi, chẳng hạn như cờ vua, phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ năng của người chơi, trong khi nhiều trò chơi khác (thường dành cho trẻ em) như Candy Land hay cờ cá ngựa không yêu cầu người chơi quyết định và hoàn toàn được định đoạt bởi may mắn.

Nhiều trò chơi đòi hỏi một mức độ nhất định của cả kỹ năng và may mắn. Một người chơi có thể bị cản trở bởi sự xui xẻo trong Backgammon (cờ tào cáo), Monopoly (cờ tỉ phú), hay Risk; nhưng trải qua nhiều lần chơi, người có kỹ năng sẽ giành chiến thắng thường xuyên hơn; trong khi đó các yếu tố may mắn có thể tạo ra sự thú vị cao hơn trong khi chơi.

Một phiên bản cờ tỉ phú ở nước ngoài

Một phiên bản cờ tỉ phú ở nước ngoài

Yếu tố may mắn có thể được đưa vào một trò chơi bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhiều Board Game lâu đời sử dụng xúc xắc – thứ có thể quyết định tất cả, từ việc "nhân vật" của người chơi di chuyển bao nhiêu bước (như trong cờ tỉ phú) cho đến cách lực lượng của họ chiến đấu (như trong Risk), hoặc tài nguyên mà người chơi giành được (như trong Catan). Một trò chơi khác như Sorry! sử dụng một bộ bài đặc biệt mà khi xáo trộn sẽ tạo ra sự ngẫu nhiên. Hay Scrabble (một kiểu trò chơi ghép chữ) thực hiện điều tương tự với các chữ cái được chọn ngẫu nhiên.

Một yếu tố quan trọng khác của một số Board Game là "ngoại giao", tức là những người chơi thực hiện một giao dịch nào đó với nhau. Việc đàm phán thường chỉ có trong các trò chơi từ ba người chơi trở lên. Chẳng hạn, một khía cạnh quan trọng của Catan là thuyết phục người chơi giao dịch với bạn hơn là với đối thủ. Trong Risk, hai hoặc nhiều người chơi có thể hợp tác chống lại những người khác. Ngoại giao còn bao gồm cả việc thuyết phục những người chơi khác rằng có kẻ đang nắm lợi thế và do đó nên hợp tác chống lại.

Trong các trò chơi mà mà mọi thông tin đều rõ ràng, chẳng hạn như cờ vua, mỗi người chơi đều có đầy đủ thông tin về trạng thái của trò chơi; nhưng trong nhiều trò chơi khác, chẳng hạn như Tigris và Euphrates hoặc Stratego, một số thông tin bị ẩn khỏi người chơi. Điều này làm cho việc tìm kiếm cách di chuyển tốt nhất trở nên khó khăn hơn, và có thể liên quan đến việc ước tính xác suất của các đối thủ.

Stratego

Stratego

Sự phát triển của Board Game ngày nay

Thời gian từ cuối những năm 1990 trở đi đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về phạm vi và thị trường của các Board Game. Trong số các nguyên nhân, Internet chính là yếu tố quan trọng nhất, bởi nó giúp mọi người dễ dàng tìm hiểu về các trò chơi và tìm đối thủ để chơi. Vào khoảng năm 2000, ngành công nghiệp trò chơi Board Game bắt đầu tăng trưởng đáng kể, số lượng các công ty sản xuất Board Game và các trò chơi mới được bán cho khán giả trên toàn thế giới ngày càng tăng. Trong những năm 2010, một số ấn phẩm cho rằng Board Game đang bước vào một "Kỉ nguyên Vàng" mới. Các địa điểm chơi Board Game cũng ngày càng phổ biến hơn, ví dụ như các quán cà phê Board Game được thống kê là xuất hiện rất nhiều ở Trung Quốc (và ở Việt Nam bạn cũng có thể dễ dàng tìm kiếm tại các thành phố lớn).

Một quán cà phê Board Game

Một quán cà phê Board Game

Nhiều Board Game hiện đã được phát hành dưới dạng trò chơi điện tử, có thể bao gồm những đối thủ do máy tính điều khiển. Một số Board Game khác có thể được chơi trực tuyến với máy tính và / hoặc những người chơi thật. Một số trang web còn cho phép chơi theo thời gian thực và ngay lập tức hiển thị các động thái của đối thủ. Các ấn phẩm cũng có thể giúp bạn giải trí với Board Game thông qua các trò chơi được in trong đó. Một số trò chơi còn sử dụng phương tiện bên ngoài như băng cassette hoặc DVD để đệm cho trò chơi.

Game cờ vua trên thiết bị di động

Game cờ vua trên thiết bị di động

Qua bài giới thiệu trên, bạn đã hiểu Board Game là gì và một số loại Board Game tiêu biểu rồi phải không? Khác với những trò chơi bom tấn hiện đại, Board Game mang tính giải trí nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả trong việc xoá đi những căng thẳng đến từ cuộc sống, hay gắn kết sâu sắc hơn tình cảm gia đình và bạn bè. Hi vọng những thông tin vừa chia sẻ ở trên sẽ giúp ích cho bạn, đồng thời chúc bạn sẽ có thật nhiều phút giây vui vẻ khi chơi Board Game cùng những người thân xung quanh!

Viết bình luận