QNED là gì? Tại sao LG lại sử dụng QNED?

QNED của LG đã khiến rất nhiều người bất ngờ khi hãng chính thức công bố tới thị trường, cuộc đối đầu của LG và Samsung ngày càng khốc liệu hơn bao giờ hết. Vậy bạn có biết TV QNED là gì, tại sao LG lại sử dụng QNED hay không?

QNED là gì Tại sao LG lại sử dụng QNED

1. Tivi QNED của LG là gì?

Tivi QNED của LG đang phát triển thực chất chỉ là phiên bản nâng cấp của dòng TV LCD hiện tại. Đây không phải điều quá bất ngờ vì các mẫu Tivi OLED của LG đang có giá thành rất cao, chúng khó cạnh tranh được ở phân khúc giá rẻ - nơi mà các hãng sản xuất Trung Quốc chiếm lĩnh. Việc cho ra mắt Tivi QNED, LG sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc cạnh tranh ở phân khúc tầm trung, giá rẻ và đánh bật các hãng sản xuất Trung Quốc. Mặc dù TV LCD đã được cho là “đồ cổ” nhưng LG lại biết cách làm mới chúng để cải thiện chất lượng.

Tivi QNED của LG đang phát triển thực chất chỉ là phiên bản nâng cấp của dòng TV LCD hiện tại

Tivi QNED của LG là sự kết hợp giữa: Q – Quantum diot (màu chấm lượng tử) và N – NanoCell công nghệ làm trong màn hình của LG. Như vậy, Tivi QNED là những màn hình sử dụng các công nghệ bao gồm: Chấm lượng tử, NanoCell và đèn LED. Nếu là đèn LED bình thường thì chắc QNED sẽ không có quá nhiều điều để nhắc tới, tuy nhiên LG lại sử dụng Mini LED (LED siêu nhỏ). Công nghệ Mini LED của LG sẽ giúp hãng bố trí được khoảng 30.000 bóng LED, điều này đồng nghĩa với việc số đèn LED trên cùng một diện tích sẽ nhiều hơn và chúng sẽ tạo ra lợi thế như sau:

  • Tăng độ tương phản màn hình lên đến 1.000.000:1
  • Có tới 2.500 vùng làm tối và vùng giảm sáng cục bộ trên màn hình (tăng chiều sâu cho màu đen)
  • Tăng chất lượng của công nghệ HDR
  • Cải thiện màu sắc chính xác hơn

2. Sự khác biệt giữa QNED và LCD

Trong phần tìm hiểu trên, bạn đã biết rằng QNED chỉ là phiên bản nâng cấp của TV LCD vốn đã được ra mắt từ rất lâu và đang dần bị lỗi thời. Tuy nhiên, QNED có những cải tiến mạnh mẽ như sau:

Tivi LCD

Tivi LCD

Tivi LCD là những mẫu màn hình tinh thể lỏng và chúng sử dụng một hệ thống đèn nền (backlight) để tạo ra ánh sáng, thường là sử dụng CCFL – Đèn nền huỳnh quang và LED – Đèn nền bằng LED. Đối với đèn nền CCFL chúng ta sẽ không bàn tới vì nay đã quá lỗi thời, chúng ta sẽ chỉ đề cập đến đèn nền bằng LED. Đèn nền bằng LED đang được các hãng sử dụng vì chúng tạo được độ mỏng, độ bền và khả năng chiếu sáng tốt. Tuy nhiên, chúng đang gặp phải vấn đề về hiển thị màu sắc, đặc biệt là màu đen. Do bóng LED có kích thước lớn và khả năng tắt không đồng nhất khiến cho màu đen của TV LCD LED sẽ không có chiều sâu, chúng sẽ thường là màu đen xám. Bên cạnh đó, phần viền của TV LCD LED còn hay bị “hở sáng” – bệnh nan y trên hầu hết tất cả các màn hình.

Hiện tại, TV QLED của Samsung chính là sản phẩm đang sử dụng công nghệ được giới thiệu bên trên.

Tivi QNED

Tivi QNED

Tivi QNED tương tự như TV LCD LED nhưng chúng sẽ sử dụng các bóng Mini LED siêu nhỏ cho đèn nền (backlight) thay cho bóng LED. Với bóng Mini LED, số lượng bóng LED đặt tại đèn nền sẽ tăng từ 10 đến 15 lần so với TV QLED của Samsung. Khi số lượng đèn nền tăng, chúng ta sẽ có được 02 lợi thế như sau: Độ tương phản tăng, vùng làm tối nhiều hơn. Số lượng bóng LED tăng, màn hình sẽ sáng hơn nên độ tương phản tăng là điều tất yếu. Thế nhưng khi số lượng bóng LED tăng sẽ dẫn đến số bóng/ diện tích tăng và LG sẽ tạo ra được nhiều vùng làm tối hơn. Khi màn hình có nhiều vùng làm tối, chiều sâu sẽ đen hơn thay vì đen xám như TV LCD LED hiện nay, hiện tượng hở sáng cũng sẽ giảm theo.

Hiện tượng hở sáng “đặc trưng” của TV LED

Hiện tượng hở sáng “đặc trưng” của TV LED

3. Sự khác biệt giữa QNED của LG và Samsung

Khi màn hình LCD tỏ ra thất thế, Samsung đã tập trung nghiên cứu màn hình phát quang LED với 02 nhóm sản phẩm: QD-OLED và QNED.

Lưu ý: Samsung mới chỉ nghiên cứu, chưa công bố sản phẩm tới thị trường hay đăng ký thương hiệu sản phẩm cho QD-OLED, QNED, điều này đồng nghĩa với việc chúng chỉ tồn tại trong nội bộ công ty. LG đã tiến hành đăng ký thương hiệu QNED trên thế giới trước Samsung, đây được xem là sự cạnh tranh khi LG có phần chiếm lấy cái tên QNED đang được Samsung phát triển.

Samsung đã tập trung nghiên cứu màn hình phát quang LED với 02 nhóm sản phẩm QD-OLED và QNED

Màn hình QNED của Samsung sẽ sử dụng các Diode vô cơ làm bằng GaN để tạo ra màu xanh dương và các chấm lượng tử sẽ có nhiệm vụ đưa màu xanh dương thành màu đỏ và xanh lá. Từ đó, màn hình sẽ có được điểm ảnh theo cấu trúc RGB (Đỏ - Xanh lá – Xanh dương) – giống như công nghệ OLED đang được LG sử dụng rộng rãi trên phân khúc cao cấp. Công nghệ này được Samsung đặt tên là Quantum Nanorod Emitting Diode (QNED) và hãng cho biết chúng sẽ là màn hình của tương lai.

Như vậy, QNED của Samsung là sự đột phá mạnh mẽ về thiết kế, đặc biệt là công nghệ của sản phẩm. QNED của Samsung sẽ là nhóm sản phẩm chủ đạo hướng đến phân khúc cao cấp tương tự như OLED của LG hiện nay thay vì chỉ là phiên bản nâng cấp của màn hình LCD.

QNED của Samsung sẽ là nhóm sản phẩm chủ đạo hướng đến phân khúc cao cấp

Đối với LG, QNED sẽ không phải nhóm sản phẩm chủ đạo hướng đến phân khúc cao cấp như OLED. Hãng cho biết, OLED vẫn tiếp tục là chủ đạo của công ty và QNED sẽ được xếp sau OLED (tức là mẫu màn hình hiện đại đứng thứ 2 của công ty). Điều này đồng nghĩa với việc QNED của LG sẽ cạnh tranh với QLED của Samsung trên thị trường hiện nay.

QNED của LG sẽ cạnh tranh với QLED của Samsung trên thị trường hiện nay

Tóm lại, QNED của Samsung hướng đến phân khúc cao cấp, nơi mà OLED của LG đang làm rất tốt và có phần độc tôn. Trong khi đó QNED của LG lại hướng đến phân khúc trung cấp, nơi mà QLED của Samsung đang chiếm ưu thế. Hai hãng sản xuất Tivi hàng đầu thế giới đang sử dụng những cái tên giống nhau như: OLED, QLED, QNED để làm khó người sử dụng, tạo ra sự nhầm lẫn nếu không có kiến thức vững chắc. Trong thực tế, chuyện nhầm lẫn đã xảy ra, nhiều người đã xếp QLED nằm chung mâm với OLED nhưng thực tế thì đây là sai, OLED của LG mạnh hơn rất nhiều, Samsung phải mất nhiều thời gian mới có thể đuổi theo được.

Những thông tin xoay quanh QNED của LG trong bài viết đã phần nào giúp bạn hiểu được sự phức tạp của các hãng khi đặt tên sản phẩm màn hình. Hi vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn chọn được màn hình phù hợp!

Viết bình luận