Cổng VGA, DVI, HDMI, DP (DisplayPort) trên máy tính là gì? Cách phân biệt chúng

Khi bạn kết nối máy tính với một chiếc màn hình hoặc TV, có rất nhiều loại dây cáp mà bạn cần cấu hình. Qua nhiều năm, dây cáp đã phát triển và các loại cũ gần như đã tuyệt chủng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập tới một số loại cổng kết nối chính, bao gồm HDMI, DP, DVI và VGA. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm của chúng và so sánh xem chúng khác nhau như thế nào.

Cổng VGA DVI HDMI DP trên máy tính

VGA, DVI, HDMI, DP là gì?

HDMI (High-Definition Multimedia Interface)

HDMI là loại đầu nối màn hình rộng rãi và linh hoạt nhất mà bạn có thể tìm thấy trong hầu hết các màn hình hiện đại. Bạn sẽ thấy cổng HDMI trong tất cả các TV, màn hình và card đồ họa đời mới, tuy nhiên không phải tất cả chúng đều có hiệu quả như nhau.

Phổ biến nhất là HDMI 1.4, thường dành cho màn hình không có khả năng 4K. Nó có thể cung cấp độ phân giải màn hình lên tới 2560 × 1600 ở 75Hz cũng như 1920 × 1080 ở 144Hz, rất phổ biến trong giới game thủ PC.

HDMI 1.3 cũng hỗ trợ 1080p ở 144Hz, nhưng các phiên bản HDMI cũ hơn (từ 1.0 đến 1.2) chỉ tối đa ở mức 1920 × 1200 với 60Hz.

Do đó, tất cả các màn hình hiện tại đều có HDMI 1.4 trở lên, hỗ trợ âm thanh đa kênh, có thể truyền dữ liệu Ethernet và mang lại độ sâu màu vượt trội. Nó cũng có thể hỗ trợ độ phân giải 4K, nhưng chỉ lên tới 30Hz. Hơn nữa, HDMI 1.4 không hỗ trợ video siêu rộng 21:9 cũng như định dạng lập thể 3D.

HDMI 2.0 khắc phục được những khuyết điểm trên, mở rộng thêm độ sâu màu và tăng độ mượt cho 4K thông qua hỗ trợ 60Hz. Nó cũng bổ sung hỗ trợ cho tỷ lệ khung hình 21:9 và định dạng lập thể 3D. Ngoài ra, HDMI 2.0 cho phép 1440p ở 144Hz và 1080p ở 240Hz. Cả hai phiên bản 1.4 và 2.0 đều hỗ trợ đồng bộ hóa thích ứng, ví dụ như công nghệ AMD FreeSync.

HDMI 2.0a bổ sung hỗ trợ cho HDR (High Dynamic Range - dải động cao) trong khi HDMI 2.0b có định dạng HDR10 tiên tiến và hỗ trợ chuẩn HLG.
HDMI 2.1 thêm hỗ trợ cho Dynamic HDR, 4K ở 120Hz và thậm chí 8K ở 120Hz.

Cổng HDMI

DP (DisplayPort)

Không giống như HDMI, DisplayPort chỉ có thể được tìm thấy trong các màn hình hiện đại và rất hiếm khi xuất hiện trên TV. Ngày nay, phiên bản DisplayPort 1.2 có liên quan và là bắt buộc đối với màn hình chơi game với công nghệ Nvidia G-Sync. Trong khi FreeSync có thể hoạt động với cả HDMI và DP (v1.2a), Nvidia chỉ chấp nhận kết nối DisplayPort.

Băng thông hiệu quả của DisplayPort 1.2 lên tới 17,28 Gbit/s ở chế độ HBR2 cho phép hỗ trợ gam màu rộng và độ phân giải cao lên đến 4K ở 75Hz. DisplayPort còn cung cấp khả năng đa luồng video thông qua kết nối chuỗi (daisy-chaining), ví dụ như DisplayPort-Out.

Phiên bản DisplayPort 1.3 ít phổ biến hơn sẽ tăng băng thông lên 25,82 Gbit/s, đủ cho 4K ở 120Hz, 5K ở 60Hz và 8K ở 30Hz. Thông qua MST (Multi-Stream Transport), bạn có thể kết nối chuỗi tối đa hai màn hình 4K UHD hoặc bốn màn hình độ phân giải WQHD+ (2560 × 1600) ở 60Hz.

Phiên bản DisplayPort 1.4 mới nhất bổ sung hỗ trợ định dạng HDR10 và gam màu Rec2020 cũng như 8K HDR ở 60Hz và 4K HDR ở 120Hz bằng cách sử dụng mã hóa DSC (Display Stream Compression) với tỷ lệ nén 3:1.

Mini-DisplayPort có thể được tìm thấy trên một số máy tính Apple và PC notebook. Các cổng này hỗ trợ độ phân giải lên tới 2560 × 1600 hoặc 4096 × 2160 tùy thuộc vào phiên bản của DisplayPort được triển khai. Bạn cũng có thể nhận các bộ adapter mDP sang VGA, DVI hoặc HDMI.

Cổng DP

DVI (Digital Visual Interface)

Bạn có thể tìm thấy các cổng DVI trên hầu hết mọi màn hình và card đồ họa, kể cả các cổng được tích hợp trên bo mạch chủ PC. Có ba cổng DVI khác nhau: DVI-A cho tín hiệu video tương tự, DVI-D cho kỹ thuật số và DVI-I (tích hợp) cho cả hai. Cũng giống như VGA, Single-Link DVI được giới hạn tới 1920 × 1200 ở 60Hz.

Ưu điểm chính của cổng DVI là nó khá phổ biến và linh hoạt, tức là bạn có thể chuyển đổi nó sang cả VGA và HDMI bằng cách sử dụng các bộ adapter thích hợp. DVI đặc biệt hữu ích khi bạn cần kết nối một màn hình phụ với máy tính, vì nó cung cấp cho bạn nhiều tùy chọn nếu bạn có số cổng hạn chế trên GPU hoặc màn hình.

Cổng Dual-Link DVI chứa các chân bổ sung và có thể hỗ trợ độ phân giải lên tới 2560 × 1600 ở 60Hz và 1920 × 1080 ở 144Hz để chơi game. Mặc dù hầu hết các đầu nối DVI không thể truyền âm thanh, nhưng một số GPU đời mới sẽ cho phép DVI phát ra âm thanh. So với HDMI 1.4, cổng DVI có gam màu và hiệu năng tổng thể kém hơn. Vì vậy, nếu có thể, bạn hãy sử dụng HDMI thay vì DVI.

Cổng DVI

VGA (Video Graphics Array)

Trong số những loại cổng chúng ta đang thảo luận, có thể coi VGA là "ông" của tất cả. VGA truyền tín hiệu tương tự và rất hiếm khi xuất hiện trên TV. Những thiết bị điện tử hiện đại ngày nay đều được sản xuất mà không có cổng VGA. Tuy nhiên, bạn vẫn có khả năng gặp adapter này trong một máy chiếu cũ. Đó là những loại được sử dụng để hiển thị video trong rạp chiếu phim ngày xưa. Nếu phải làm việc với các hệ thống cũ, đây là lựa chọn duy nhất. Bạn cũng có thể tìm thấy cổng VGA trong các dòng máy tính xách tay cũ; nhưng ngày nay, HDMI và DisplayPort đang được sử dụng rộng rãi.

Cổng VGA

Khác biệt cơ bản giữa VGA, DVI, HDMI và DP

Dưới đây là bảng so sánh một số khác biệt cơ bản giữa các loại cổng này.

VGA

HDMI

DP

DVI

- Cáp chuẩn tín hiệu video tương tự
- Đã xuất hiện từ lâu
- Chỉ truyền tín hiệu video
- Sử dụng trong máy tính

- Cáp chuẩn tín hiệu video số
- Xuất hiện gần đây
- Có thể truyền cả tín hiệu video và audio
- Sử dụng trong máy tính, TV và media player

- Có thể kết nối máy tính và monitor
- Có thể chạy nhiều màn hình từ một màn hình máy tính duy nhất
- Có truyền âm thanh

- Kết nối chủ yếu trên card đồ họa
- Chỉ một pha
- Không truyền âm thanh

Đến đây bạn đã hiểu được những đặc điểm chính của VGA, DVI, HDMI và DP cũng như sự khác biệt giữa chúng rồi phải không nào? Hi vọng rằng những thông tin vừa chia sẻ ở trên sẽ hữu ích cho bạn.

Viết bình luận