"Chỉn chu" hay "chỉnh chu" là đúng chính tả?

Có người cho rằng chỉn chu mới là đúng, có người cho rằng chỉnh chu không hề sai. Vậy chỉn chu hay chỉnh chu mới là đúng chính tả? Bài viết hôm nay, ThuThuatPhanMem sẽ đưa ra những thông tin bổ ích, chính xác và chi tiết nhất về chỉn chu và chỉnh chu. Chắc chắn, qua bài viết này bạn sẽ khắc phục được lỗi sai thường gặp của mình.

Chỉn chu hay chỉnh chu là đúng chính tả

1. Chỉn chu có nghĩa là gì?

Chỉn chu là một từ ghép giữa hai từ “chỉn” và “chu”. Chỉn một từ Việt cổ mang nghĩa là chỉ, quả thực, vốn, thật. Chu từ gốc Hán mang nghĩa là vòng quanh, đủ, vẹn, toàn thể, vào tiếng Việt, chu trở thành một hình vị độc lập mang nghĩa đạt mức yêu cầu, có thể làm cho yên tâm, hài lòng, ổn.

Theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2007), chỉn chu có nghĩa là sự chu đáo, nghiêm chỉnh, không có bất kỳ điểm gì khiến người khác phải chê trách. Ngoài ra chỉn chu còn là một tính từ, thường được sử dụng để nói về người luôn cẩn thận, tuân thủ các quy định, giữ được sự ngăn nắp.

Trong tiếng Anh, chỉn chu là Presentable. Từ khóa này có nghĩa là chỉnh tề, bảnh bao, ngăn nắp, gọn gàng, coi được.

Ví dụ:

  • Đến buổi phỏng vấn phải mặc quần áo thật chỉn chu.
  • Bản kế hoạch này được làm rất chỉn chu, chi tiết.
  • Anh ấy tính toán thật chỉn chu.

Chỉn chu có nghĩa là sự chu đáo, nghiêm chỉnh, không có bất kỳ điểm gì khiến người khác phải chê trách

2. Chỉnh chu có nghĩa là gì?

Chỉnh chu là một từ không xuất hiện trong từ điển tiếng Việt nhưng thường bị nhầm lẫn trong quá trình giao tiếp. Bởi lẽ cả chỉnh và chu khi tách ra đều có nghĩa xong nét nghĩa của nó không liên quan đến việc ngăn nắp, gọn gàng, đứng đắn. Cụ thể như sau:

Chỉnh là một từ có nghĩa thường được sử dụng trong các từ ghép như chỉnh sửa (sửa lại cho đúng), chỉnh đốn (sắp đặt lại theo nguyên tắc), chỉnh tề (gọn gàng, có quy củ), chỉnh lý (sửa đổi lại theo quy định), …

Chu là một từ mang nhiều nét nghĩa khác nhau, ngoài mang nghĩa như đã nói ở trên, chu còn là một động từ dùng để chỉ hành động chúm chím môi hoặc đưa môi ra phía trước. Chu cũng có nghĩa là toàn bộ diện tích bao quanh (chu vi) hay chu trong chu kỳ, chu trình còn mang nghĩa là lặp lại liên tiếp xoay quanh một vòng tuần hoàn.

3. Chỉn chu hay Chỉnh chu là đúng chính tả

Như vậy, theo những gì đã phân tích ở trên, chỉn chu mới là một từ đúng chính tả được ghi chép rõ ràng trong từ điển, được báo chí chính thống, đài truyền hình sử dụng.

Chỉn chu hay Chỉnh chu là đúng chính tả

4. Nguyên nhân có sự nhầm lẫn giữa chỉn chu và chỉnh chu

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự nhầm lẫn giữa chỉnh chu và chỉn chu, cụ thể như sau:

Về cách phát âm: Chỉnh và chỉn có cách phát âm gần giống nhau, hơn nữa chỉnh chu dễ phát âm và thuận tai hơn so với chỉn chu.

Về nghĩa: Từ chỉn là một từ cổ nên với người Việt hiện nay, từ chỉn gần như bị coi là một từ vô nghĩa. Trong khi đó, chỉnh là một từ xuất hiện trong đời sống hàng ngày như nghiêm chỉnh, chỉnh đốn, hoàn chỉnh nên khi đi với chu mang nghĩa chu đáo, chu tất, chu toàn là hết sức hợp lý và thuận miệng. Do đó, việc nhầm lẫn là một việc vô cùng dễ hiểu.

Trên đây ThuThuatPhanMem vừa giúp bạn giải đáp hết tất cả các thắc xoay quanh câu hỏi Chỉn chu hay chỉnh chu là đúng chính tả. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ không còn nhầm lẫn trong quá trình sử dụng cụm từ này. Đừng quên chia sẻ bài viết để mọi người cùng khắc phục các lỗi sai trong giao tiếp hàng ngày nhé.

Viết bình luận