Những trò chơi dân gian trong ngày Tết

Trò chơi dân gian từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Hòa chung không khí vui tươi trong những ngày đầu năm mới, nhà nhà người người lại háo hức tham gia những trò chơi dân gian. Không chỉ tạo không khí vui tươi sôi nổi trong những ngày đầu năm, những trò chơi dân gian còn giúp xua tan những mệt nhọc của năm cũ, chuẩn bị một tinh thần tốt nhất để chào đón một năm mới vui tươi, hạnh phúc hơn. Nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn về những trò chơi dân gian ngày Tết, ThuThuatPhanMem sẽ cùng bạn khám phá thông qua bài viết dưới đây.

Những trò chơi dân gian trong ngày Tết

1. Kéo co

Kéo co

Nhắc đến trò chơi dân gian dịp Tết chắc chắn không thể thiếu đi trò kéo co. Đây là trò chơi mang tính tập thể, thể hiện sự hợp tác khéo léo giữa các thành viên trong đội. Luật chơi khá đơn giản: Mỗi lượt chơi sẽ có 2 đội tham gia thi đấu, mỗi đội sẽ gồm 9-10 người (có thể nhiều hoặc ít hơn, tùy ý) nhưng phải đảm bảo số thành viên giữa hai đội là như nhau. Sau khi trọng tài hô bắt đầu, hai đội sẽ dùng hết sức mạnh của mình để kéo dây, sao cho bên đối thủ vượt qua vạch trắng giữa hai đội để trở thành đội thắng cuộc.

2. Trò bắt vịt

Trò bắt vịt

Với các làng Việt xưa, Tết không thể thiếu đi các trò chơi lấy may, lấy phước. Một trong những trò chơi lấy may được phổ biến nhất phải kể đến trò bắt vịt. Trước khi diễn ra trò chơi, ban tổ chức cần chuẩn bị một bãi đất trống rộng rãi, quây thành một vòng tròn, cùng những con vịt to, khỏe, có thể chạy và bay nhanh. Bắt đầu trò chơi, hai người tham gia sẽ bị bịt chặt mắt và đưa vào vòng tròn đã chuẩn bị sẵn. Người ta sẽ thả vào đó một con vịt. Con vịt sợ hãu kêu và bay, chạy loạn xạ. Người bắt vịt sẽ căn cứ theo tiếng kêu phát ra mà chạy theo bắt. Khi con vịt bị bắt cũng là lúc trò chơi kết thúc. Hai người khác sẽ tiếp tục vào chơi tiếp.

3. Đập niêu đất

Đập niêu đất

Đập niêu đất là trò chơi dân gian ngày Tết mang đậm màu sắc vùng Bắc Bộ, thường được diễn ra tại các sân đình hoặc bãi đất rộng. Trước khi chơi, người ta sẽ trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau khoảng 5 mét, ở giữa buộc dây thừng làm giá treo liêu. Điểm xuất phát được vẽ cách giá treo liêu khoảng 3 đến 5m. Trước khi chơi, người chơi sẽ được đưa đến vạch xuất phát, bịt chặt mắt và trao cho một chiếc gậy dài tầm 50cm. Khi có tiếng hô của trọng tài, người chơi sẽ phải định hình hướng đi cũng như khoảng cách để đập trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ được nhận phần thưởng được ghi trên mảnh giấy, đặt phía trong chiếc niêu bị đập vỡ.

4. Đánh đu

Đánh đu

Đánh đu, trò chơi khá phổ biến ở Việt Nam, được người dân vô cùng thích thú và ưa chuộng trong dịp Tết. Tuy nhiên, những năm gần đây, trò chơi này đang dần vắng bóng người chơi, thế nhưng không ai có thể phủ nhận tính chất giải trí mà trò chơi này mang lại. Trước khi trò chơi được diễn ra, ban rổ chức sẽ lựa chọn những cây tre to, khỏe để có thể đáp ứng số lượng người chơi diễn ra. Đánh đu có nhiều cách chơi nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi. Trong khi đu đơn nữ thể hiện sự nhịp nhàng và duyên dáng thì đu đơn nam lại thể hiện được sự khỏe mạnh. Đối với đu đôi, sẽ có đôi nam hoặc đôi nam nữ. Tuy nhiên, được yêu thích nhất vẫn là đôi nam nữ. Đây cũng là lúc các đôi trai gái thỏa sức thể hiện tài năng của mình, có khi còn được se duyên với nhau. Đó chính là cái hay của trò chơi này.

5. Trò bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê

Là một trò chơi dân gian lâu đời, được phổ biến khắp cả nước. Xưa kia, đây là trò chơi chủ yếu dành cho trai thanh gái lịch trong các dịp vui chơi, nay là trò chơi dành cho trẻ em. Đối với trò chơi này, sẽ không hạn chế số lượng người chơi, tuy nhiên, những người tham gia chơi nên quen biết nhau từ trước, biết hết tên nhau. Tất cả người chơi tiến hành oẳn tù tì, người thua cuộc sẽ đóng vai trò là người bịt mắt đi tìm. Trò chơi bắt đầu, những người còn lại sẽ lắm tay nhau tạo thành một vòng tròn, người bịt mắt ở giữa sẽ đi quanh và tìm bất kì ai. Khi tìm được một ai đó, người bịt mắt phải đoán xem người đó là ai, nếu đúng, người bị bắt sẽ phải thay thế người bịt mắt còn không, trò chơi sẽ tiếp tục.

6. Cờ người

Cờ người

Đây là một trò chơi biến thể của cờ tướng. Thay vì 16 quân cờ trắng, đen thường thấy thì các quân cờ được thay thế bằng người, phía sau treo biển tên quân cờ trước ngực, đứng vào vị trí tương ứng. Hai đối thủ sẽ ngồi phía sau. Có người chạy cờ lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Để dành được chiến thắng, đòi hỏi người chơi thật bình tĩnh, thật trọng không bị phân tán bởi những người xem mách nước.

7. Đấu vật

Đấu vật

Vốn là một dân tộc thượng võ, chắc chắn không thể thiếu đi những màn đấu vật cực đỉnh trong dịp đầu xuân năm mới. Đối tượng tham gia trò chơi này có thể là trai tráng trong làng hoặc trong vùng đến tham gia thể thể hiện sức khỏe. Mỗi một vòng đấu vật sẽ có hai người tham gia, cùng nhau thể hiện bản lĩnh, sức mạnh của mình bằng cách nhấc bổng hoặc khiến đối phương ngã ngửa ra đất. Người đứng lại cuối cùng trên sân khấu là người thắng cuộc.

8. Đi cà kheo

Đi cà kheo

Đi cà kheo là một trò chơi dân gian đòi hỏi người chơi có sức khỏe tốt cùng sự khéo léo nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể. Mặc dù khá là khó thế nhưng, đây là trò chơi mang lại tiếng cười sảng khoái nhất bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi. Những người tham gia trò chơi sẽ phải đi trên những chiếc cà kheo, được làm bằng những cây tre to vừa tay cầm, chỗ để chân được làm bởi hai gióng trem một đầu gắn với cây trụ chính, một đầu có chạc tre đỡ, tạo thành hình tam giác đỡ cho chân bắm chắc đồng thời giúp toàn thân giữ được thăng bằng.

9. Chọi gà

Chọi gà

Chọi gà là một trò chơi rất có tính tiêu khiển được rất nhiều người độ tuổi xế chiều yêu thích. Tuy nhiên, trò chơi chọi gà đòi hỏi việc chăm sóc, chọn lọc, nuôi dưỡng, huấn luyện vô cùng công phu. Bắt đầu trò chơi, người ta sẽ thả hai con gà chọi vào nhau để cho chúng đập vào nhau, nhảy lên đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương để hạ gục đối thủ trên sàn đấu. Có những trận kéo dài hàng tiếng đồng hồ nhưng vẫn không thể phân biệt thắng thua. Cái sức hút của trò chơi này không chỉ bởi những màn đấu đá đẹp mắt mà còn bởi sự tranh luận, bàn tán của những người xem khiến cho không khí tết càng trở nên rộn rã.

10. Đi cầu kiều

Đi cầu kiều

Đi cầu kiều là trò chơi dân gian lâu đời, khá đơn giản nhưng không kém phần thú vị. Để tăng tính hấp dẫn cho trò chơi, người ta sẽ thiết kế một chiếc cầu tre vô cùng lắc lẻo ngay tại một vùng đất rộng hoặc qua ao. Nhiệm vụ của người chơi là khéo léo trèo ra cầu để lấy phần thưởng mà không bị ngã. Có thể nói, đây là trò chơi dân gian ngày Tết hấp dẫn và thú vị nhất.

Trên đây, ThuThuatPhanMem vừa giới thiệu đến bạn những trò chơi dân gian độc đáo, thú vị trong dịp Tết Nguyên Đán. Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về trò chơi cũng như luật chơi các trò này để khỏi bỡ ngỡ khi tham gia. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc các bạn có một năm mới an khang, thịnh vượng.

Viết bình luận