Những thuật ngữ trong truyện ngôn tình bạn cần biết

Ngày nay truyện ngôn tình đã trở thành một dòng văn học, món ăn tinh thần rất phổ biến cho giới trẻ Việt Nam ngày nay. Nhưng truyện ngôn tình lại là một dòng văn học tới từ nước Trung Quốc cho nên chúng sẽ có khá nhiều thuật ngữ mà những người chưa đọc hay chưa tìm hiểu không biết. Chính vì thế ThuThuatPhanMem.vn đăng tải bài viết này với hi vọng giải đáp thắc mắc cho các bạn đọc về những thuật ngữ trong dòng văn học này.

Những thuật ngữ trong truyện ngôn tình bạn cần biết

1. Ngôn tình là gì?

Bắt đầu xuất hiện ở nước ta và trở nên phổ biến từ năm 2006, ngôn tình được biết đến là thể loại truyện kể về tình cảm giữa nam và nữ. Chuyện tình cảm giữa một cặp đôi nữ nữ hoặc nam nam KHÔNG PHẢI là truyện ngôn tình, đây là định nghĩa sai lầm mà một số trang web đã đưa ra.

Đối tượng mà truyện ngôn tình nhắm tới thường là những cô gái trẻ, lứa tuổi muốn tìm hiểu về yêu đương với những cảm xúc tươi mới. Nội dung của truyện ngôn tình rất đa dạng phong phú. Nó có thể là một câu chuyện tình cảm ở tương lai, thời hiện đại hoặc thời xa xưa, hoặc cũng có thể kết hợp với cả hai thời đó.

Giới trẻ thường mê mệt truyện ngôn tình vì những mối tình không có thật nhưng lại vô cùng lãng mạn và lôi cuốn được kể đến trong câu truyện. Những câu truyện được kể tới trong ngôn tình sẽ mang đến một bài học quý giá, những châm ngôn về cuộc sống và tình yêu rất hữu ích.

Tuy nhiên với độ phổ biến ngày càng lớn, không phải câu chuyện nào được kể cũng mang theo những ý nghĩa tốt đẹp đó. Rất nhiều câu chuyện được viết bởi những tác giả chưa đủ chín chắn và trưởng thành lại có tâm lý và suy nghĩ không được bình thường nên nội dung của câu truyện cũng chứa đựng rất nhiều sai lệch.

Việc kiểm soát nội dung truyện ngôn tình ở Việt Nam ta không được tốt nên những nội dung tốt xấu sẽ lẫn lộn khiến người đọc không thể biết trước được. Chính vì thế hãy đảm bảo rằng mình đã có đủ độ tuổi nhận thức đúng sai trước khi thử tìm đến và đọc truyện ngôn tình. Hoặc hãy tìm tới những tác giả có độ tin cậy cao để được đảm bảo về nội dung.

Ngôn tình là gì

2. Một số thuật ngữ cần biết trong truyện ngôn tình

2.1. Thuật ngữ về thể loại truyện

- Truyện ngôn tình hiện đại:

Truyện ngôn tình hiện đại

Đây là dòng truyện lấy bối cảnh thời hiện thực, với thời gian chúng ta đang sống bây giờ, có nhà lầu xe hơi và các công nghệ hiện đại. Trong dòng truyện này sẽ lại chia ra những dòng truyện nhỏ khác:

  • Đô thị tình duyên: thường kể về những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng ít tranh đấu.
  • Hào môn thế gia: là câu chuyện kể có nhân vật chính rất giàu có, có tiền có quyền, hô mưa gọi gió.
  • Tinh anh cán bộ: là câu chuyện kể về nhân vật chính là người giữ chức vụ trong chính quyền, cán bộ.
  • Hắc đạo/Hắc bang: là câu chuyện kể về nhân vật chính là người trong giới xã hội đen.
  • Quân nhân văn: là câu chuyện kể về nhân vật chính là người trong quân đội, là lính.
  • Thanh xuân vườn trường: là câu chuyện xoay quanh cuộc sống ở trường học, nhân vật chính thường là giáo viên hoặc học sinh.
  • Dốc lòng nhân sinh: là câu chuyện kể về nhân vật chính cố gắng phấn đấu với các mục đích khác nhau như để sống hoặc lý tưởng.
  • Thương đấu: là câu chuyện lấy bối cảnh tranh đấu trên thương trường.
  • Võng du: thể loại truyện mà nhân vật chính chơi game, có thể là chơi game qua màn hình máy tính hoặc thể loại nhập vai thực tế ảo.
  • Minh tinh/vòng giải trí: Truyện lấy bối cảnh trong vòng giải trí showbiz, nhân vật chính thường là diễn viên, nhiếp ảnh, người mẫu…

- Truyện ngôn tình cận đại:

Đây là dòng truyện lấy bối cảnh khoảng thời gian gần với thời hiện đại, vì là truyện Trung Quốc nên các bạn có thể tưởng tượng nó là truyện viết về khoảng thời gian giống phim "Bến Thượng Hải". Đó là thời điểm Trung Quốc vẫn còn là thuộc địa của các cường quốc, hoặc cũng có thể là thơi điểm chiến tranh loạn lạc.

- Truyện ngôn tình cổ đại:

Truyện ngôn tình cổ đại

Đây là dòng truyện lấy bối cảnh thời gian từ xa xưa thời phong kiến vẫn còn lên ngôi. Trong dòng truyện này sẽ còn bao gồm các thể loại khác như:

  • Cung đình hầu tước: Nhân vật chính của câu chuyện là những vương tước vua chúa thời xưa.
  • Thanh cung: Truyện viết về bối cảnh thời nhà Thanh cạo trọc nửa đầu, thường sẽ kể về những vị vua nổi tiếng Khang Hi, Ung Chính, Càn long.
  • Cung đấu: Truyện lấy bối cảnh cung đình, kể về các cuộc đấu đá tranh giành sự sủng ái của đức vua nơi chốn thâm cung, hoặc những đấu đá liên quan tới triều chính và ngôi vua.
  • Gia đấu/trạch đấu: Không to lớn như cung đấu, truyện kể về các cuộc đấu đá trong chính trong một gia đình thời cổ đại.
  • Giang hồ/kiếm hiệp: Truyện kể về bối cảnh giang hồ kiếm hiệp, những con người có võ công cao cường bay nhảy với khinh không.
  • Điền văn: Truyện là câu chuyện bình dị về một đời sống của một người bình thường không có thân phận đặc biệt gì, cày cấy nuôi gà, buôn bán, nấu ăn…

- Truyện ngôn tình xuyên không:

Truyện ngôn tình xuyên không

Đây là dòng truyện lấy bối cảnh thời gian từ xa xưa nhưng người được kể đến lại là người hiện đại. Hay nói cách khác, có người từ thế giới hiện đại chúng ta đang sống và trở về thời cổ đại xa xưa. Truyện có chia làm những thể loại nhỏ như:

  • Hồn xuyên: Nhân vật chính trở về thời cổ đại dưới dạng linh hồn và nhập vào thể xác của một người khác sống vào thời này.
  • Xác xuyên: Nhân vật chính trở về thời cổ đại dưới dạng cả cơ thể và linh hồn.
  • Thai xuyên: Nhân vật chính trở về thời cổ đại từ khi còn ở trong bụng mẹ.
  • Song xuyên: Cả hai nhân vật chính đều trở về thời cổ đại.
  • Thanh xuyên: Nhân vật chính từ hiện đại trở về sống tại thời Thanh.
  • Phản xuyên: Trong trường hợp này nhân vật từ thời đại khác tới đây sẽ đóng vai trò phản diện, và thường sẽ bị các nhân vật vốn sống ở thời đại đó đánh bại.
  • Cổ xuyên kim: Ngược với xuyên không nói ở trên, truyện này là người cổ đại đi tới thời hiện đại để sống.
  • Xuyên thư: Dòng truyện mà nhân vật chính sẽ đi vào một thế giới có sẵn trong sách hay truyện mà mình đã từng đọc hoặc từng biết tới.
  • Nữ phụ văn/nữ thứ văn: Cùng loại với xuyên thư nhưng nhân vật chính nhập vào người vốn là nhân vật nữ phụ trong một câu truyện hoặc tiểu thuyết.
  • Khoái xuyên/xuyên nhanh: Nhân vật chính liên tục đi hết từ thế giới này tới thế giới khác để thực hiện một nhiệm vụ hoặc mục tiêu nào đấy hoặc chỉ đơn giản chỉ là bị bắt ép phải di chuyển (lý do được đưa ra cho vấn đề này khá đa dạng).

- Truyện ngôn tình trọng sinh:

Đây là dòng truyện mà nhân vật chính đã trải qua một đời, sau khi chết được sống lại vào một thời điểm nào đó khác trong cuộc đời mình. Có thể là trọng sinh vào đúng cơ thể bản thân cũng có thể là sống lại trong cơ thể một người khác.

- Truyện ngôn tình hệ thống:

Đây là dòng truyện mà nhân vật chính sẽ có một cái hệ thống trong cơ thể. Nghe có vẻ khoa học viễn tưởng nhưng hệ thống đó sẽ được cụ hiện hóa trước mắt nhân vật chính bằng âm thanh và hình ảnh. Hệ thống có thể sẽ cụ hiện hóa như một hệ thống game với các đánh giá chỉ số con người dựa theo con số (như điểm sinh mệnh, điểm sức mạnh, điểm tốc độ…) hoặc chỉ đơn giản là đưa ra những mệnh lệnh bắt buộc phải thực thi cùng với những hình phạt/phần thưởng tương ứng.

- Truyện ngôn tình huyền huyễn:

Truyện ngôn tình huyền huyễn

Truyện này lấy bối cảnh giả tưởng với những sinh vật hoặc sức mạnh không có thật với những yếu tố ma pháp, huyền ảo vượt qua logic khoa học. Cũng có thể nói về thế giới các vị thần tiên Phương Đông như Ngọc Hoàng Đại Đế hay Như Lai Phật Tổ.

- Truyện ngôn tình tiên hiệp:

Truyện lấy bối cảnh giả tưởng về những nhân vật có thể tu luyện thành tiên với sức mạnh rời non lấp biển, cưỡi lên kiếm bay trên trời.

- Truyện ngôn tình tương lai/vị lai/tinh tế:

Truyện lấy bối cảnh giả tưởng tương lai với các phi thuyền hiện đại, chiến giáp và vũ khí tối tân.

- Truyện ngôn tình mạt thế:

Truyện lấy bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ bị tận diệt, thường là sẽ xảy ra nạn dịch zombie (tang thi) khiến con người cần phải cố gắng sinh tồn mà sống.

- Truyện ngôn tình đồng nhân:

Truyện lấy bối cảnh về một tác phẩm điện ảnh/tiểu thuyết/truyện tranh nổi tiếng có sẵn. Có thể sẽ có những biến đổi so với cốt truyện gốc hoặc chỉ xuôi theo những nội dung gốc mà kể các nội dung bên lề.

2.2. Thuật ngữ liên quan tới độ dài ngắn của truyện

Thuật ngữ liên quan tới độ dài ngắn của truyện

- Đoản văn: Truyện ngắn một chương.

- Đoản thiên: Truyện ngắn, thường dưới 10 chương.

- Trung thiên: Truyện dài vừa phải thường có độ dài từ 20 đến 30 chương.

- Trường thiên: Truyện dài với độ lớn từ trăm chương trở lên.

- Đại trường thiên: Truyện dài với độ lớn tới một nghìn chương.

- Hệ liệt: Những bộ truyện được viết có thế giới hay nhân vật liên quan tới nhau.

2.3. Thuật ngữ liên quan tới cái kết của truyện

Thuật ngữ liên quan tới cái kết của truyện

- HE: Viết tắt của từ Happy Ending, tức là câu chuyện có cái kết đẹp và hạnh phúc.

- SE: Viết tắt của từ Sad Ending, tức là câu chuyện có cái kết buồn, có thể là các nhân vật trong chuyện chết hoặc không đến được với nhau.

- BE: Viết tắt của từ Bad Ending, tức là câu chuyện có cái kết tồi tệ gây cức chế diện rộng.

- GE: Viết tắt của từ Good Ending, tức là câu chuyện có cái kết tốt đẹp.

- OE: Viết tắt của từ Open Ending, tức là câu chuyện có cái kết mở, hướng đi cuối cùng như thế nào dựa theo sự nhìn nhận của mỗi người đọc.

2.4. Thuật ngữ liên quan tới tính chất, tình tiết của truyện

Thuật ngữ liên quan tới tính chất, tình tiết của truyện

- Truyện ngược: Truyện có những tình tiết đau đớn gây buồn thương cho độc giả, Nhân vật chính hoặc cả nhân vật phụ của câu chuyện đều sẽ trải qua những câu chuyện buồn đau vô kể. Trong đó bao gồm:

  • Ngược thân: Truyện có yếu tố gây đau đớn về thể xác cho nhân vật.
  • Ngược tâm: Truyện có yếu tố gây đau đớn về tâm lý cho nhân vật.

- Truyện ngọt: Truyện chỉ có những tình tiết ngọt ngào đắm đuối yêu nhau giữa các nhân vật, thường không có nhiều sự đau khổ.

- Truyện sủng: Truyện có những tình tiết nhân vật chính yêu thương chiều chuộng nhau.

- Truyện sạch: Truyện có các nhân vật chính đều chưa trải qua quan hệ tình dục.

- Truyện sắc: Truyện có các yếu tố quan hệ tình dục được mô tả rõ nét.

- Truyện 3S: Truyện bao gồm cả ba yếu tố sạch, sủng và sắc.

- Truyện thanh thủy văn: Truyện kể về tình yêu rất trong sáng.

- Truyện cường thủ hào đoạt: Truyện có yếu tố chiếm đoạt, bắt ép một người khác phải yêu thương/cùng sống với mình.

- Truyện thế thân: Truyện có yếu tố coi một người là thế thân của người khác để mình yêu thương hoặc thực hiện

- Truyện thanh mai trúc mã: Truyện có yếu tố hai nhân vật chính quen biết và lớn lên bên nhau từ bé.

- Truyện hoan hỉ oan gia: Truyện có yếu tố hai nhân vật chính cãi nhau, đối đầu như chó với mèo nhưng cuối cùng lại quay ra yêu nhau.

- Truyện tiền hôn hậu ái: Truyện có yếu tố kết hôn trước rồi mới bắt đầu yêu đương.

- Truyện gương vỡ lại lành: Truyện có yếu tố hai nhân vật chính trong quá khứ đã từng yêu đương nhưng rồi do biến cố mà đã chia tay, giờ đây tái hợp và yêu lại từ đầu.

Thuật ngữ liên quan tới tính chất, tình tiết của truyện 2

- Truyện nhất kiến chung tình: Truyện có yếu tố hai người chỉ gặp nhau một lần mà đã yêu.

- Truyện tình hữu độc chung: Truyện có yếu tố hai người trải qua nhiều thời gian làm quen tiếp xúc rồi mới bắt đầu yêu đương.

- Truyện 419 (for one night): Truyện có yếu tố tình một đêm.

- Truyện dưỡng thành: Truyện có yếu tố một người nuôi lớn một người khác.

- Truyện song hướng luyến ái: Truyện có yếu tố hai người cùng yêu mến nhau.

- Truyện sư đồ: Truyện có yếu tố thầy và trò yêu nhau nhưng ở bối cảnh cổ đại.

- Truyện sư sinh: Truyện có yếu tố thầy và trò yêu nhau nhưng ở hiện đại.

- Truyện tùy thân không gian: Truyện có yếu tố nhân vật chính nắm giữ một không gian vô hình, có thể chứa đựng đồ vật hoặc chứa đựng cả một thế giới.

- Truyện nữ phẫn nam trang: Truyện có yếu tố nữ giới đóng giả làm nam giới.

- Truyện nhân thú: Truyện có yếu tố người và thú hoặc người và người thú yêu nhau.

- Truyện 1vs1: Truyện mà khi kết thúc chỉ có một nam và một nữ yêu nhau.

- Truyện NP: Truyện mà khi kết thúc một cô gái sẽ ở cùng với nhiều người đàn ông.

- Truyện nữ tôn: Truyện nhân vật nữ được nâng cao địa vị hoặc có tài năng áp đảo tất cả.

2.5. Thuật ngữ dùng để chỉ nhân vật

Thuật ngữ dùng để chỉ nhân vật

- Đại thúc: Nhân vật nam có tuổi lớn tầm trung niên hoặc trên 30.

- La lị: Là phiên âm Hán Việt của từ "loli", nhân vật nữ có tuổi nhỏ hoặc có hình dáng nhỏ bé trẻ con.

- Tiểu bạch kiểm: Nhân vật nam có khuôn mặt trắng nõn như thư sinh.

- Tiểu bạch thố/tiểu bạch thỏ: Nhân vật đáng yêu ngây thơ, không rành rẽ sự đời.

- Dương quang: Nhân vật lúc nào cũng rạng ngời như ánh mặt trời.

- Ôn nhu: Nhân vật rất dịu dàng, đối xử tử tế với người khác.

- Bá đạo: Nhân vật có tính cách rất độc đoán, có thể cưỡng ép người khác làm theo ý mình một cách "khá lãng mạn".

- Phúc hắc: Nhân vật gian xảo, vẻ ngoài không tỏ ra gì nhưng kỳ thực trong bụng luôn có những ý nghĩa xấu xa.

- Tà mị: Nhân vật mang vẻ tà dị, yêu mị.

- Tổng tài: Nhân vật đứng đầu một công ty lớn, tập đoàn lớn.

- Ngạo kiều (tsundere): Nhân vật có tính cách tỏ vẻ bên ngoài là khá cáu kỉnh nóng tính nhưng thực chất bên trong lại rất dễ xấu hổ và đáng yêu.

- Bệnh kiều (yandere): Nhân vật này bị thần kinh, mắc bệnh kiểm soát người yêu quá đáng và cần phải được điều trị gấp.

- Biệt nữu: Nhân vật thường hay cáu kỉnh và khá khó tính.

- Tra nam/tra nữ: Nhân vật có những hành động hay suy nghĩ cực kỳ khốn nạn, gây ra đau đớn hoặc đau khổ cho nhân vật chính còn lại.

- Tiện nam/tiện nữ: Nhân vật có những hành động hay suy nghĩ cực kỳ mất phong độ và không có lòng tự trọng.

- Nam cường/nữ cường: Nhân vật nam/nữ có sức mạnh và tính cách mạnh mẽ.

- Nhược nam/nhược nữ: Nhân vật nam/nữ có sức mạnh hoặc tính cách yếu đuối.

- Tráng nam: Nhân vật nam có cơ bắp hơn người.

- Lục trà biểu/trà xanh: Đây là từ tiếng Trung gọi theo âm của từ "bitch" trong tiếng Anh. Nó mang nghĩa xấu để chửi một người phụ nữ.

- Bạch liên hoa: Nhân vật lúc nào cũng tỏ ra hết sức tốt bụng một cách thái quá, cảm giác như coi mình thành bông hoa sen trắng. Tại sao lại dùng từ "tỏ ra" ở đây vì hầu hết từ này đều chỉ dùng trong trường hợp xấu khi người nói muốn khinh bẻ hay coi rẻ hoặc không tin tưởng người được nhắc đến trong câu chuyện.

- Thánh mẫu/Thánh phụ: Nhân vật tốt một cách vô địch, tốt một cách ngu xuẩn mà không cần suy nghĩ gì tới bản thân.

- Mã Lệ Tô/Mary Sue: Nhân vật nữ được xây dựng một cách hoàn hảo vô lý, cái gì cũng giỏi cái gì cũng hay, lại còn xinh đẹp.

- Não tàn: Nhân vật rất ngu si, không có suy nghĩ bình thường.

- Sắc nữ: Nhân vật nữ rất háo sắc, thấy trai (hoặc có thể là gái) là tớn mắt lên.

- Trạch nữ: Nhân vật nữ chỉ thích ở trong nhà mà không ra ngoài tiếp xúc với cộng đồng.

- Hủ nữ: Nhân vật nữ thích những câu chuyện tình giữa nam và nam.

- Tiểu tam: Nhân vật người thứ ba xen giữa chuyện tình cảm hoặc cuộc sống hôn nhân của người khác.

Trên đấy là một số thuật ngữ quan trọng trong truyện ngôn tình mà ThuThuatPhanMem.vn đã tổng hợp dành cho quý vị bạn đọc. Hi vọng rằng những thuật ngữ này đã giải đáp được nhiều thắc mắc khó hiểu của các bạn mới tìm hiểu và đọc truyện ngôn tình. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết khác.

Viết bình luận