Nà ní là gì? Ý nghĩa của từ Nà ní trong giới trẻ hiện nay

Với công nghệ hiện đại, mạng xã hội ngày càng phát triển, kết nối mọi người trên thế giới chỉ cần một click thì việc du nhập nền văn hóa giữa các nước trên thế giới trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Việc sử dụng tiếng lóng của các nước bạn cũng không phải là ngoại lệ. Một trong những từ lóng được sử dụng phổ biến gần đây chính là từ "nà ní". Vậy Nà ní là gì? Ý nghĩa của từ Nà ní trong giới trẻ hiện nay như thế nào? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Nà ní là gì Ý nghĩa của từ Nà ní trong giới trẻ hiện nay

1. Nà ní là gì?

Chắc hẳn bạn đã từng nghe hoặc nhìn thấy cụm từ này rồi. Thế nhưng đây là tiếng lóng, có nguồn gốc từ Nhật Bản, không phải là tiếng Trung hay tiếng Hàn như nhiều người lầm tưởng. Nà ní là phiên âm theo tiếng Việt của từ "nani" trong tiếng Nhật, được dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Cái gì?", tương đương với từ "What?" trong tiếng Anh. Ngoài ra, người dùng có thể đọc từ này là na ní, nà ní, na nỉ nhưng cách đọc phổ biến nhất vẫn là nà ní.

Nà ní là gì

2. Ý nghĩa của từ Nà ní trong giới trẻ hiện nay

Chúng ta thường bắt gặp cụm từ này trong các bộ phim anime của Nhật Bản, thường được dùng để diễn tả thái độ ngạc nhiên của người nói với câu nói trước đó của người vừa nói. Khi ấy, chúng ta có thể hiểu người đó muốn nói là "Anh/ chị/ mày nói cái gì hả, cái gì cơ hay cái gì vậy? Ngoài ra, nà ní cũng có thể sử dụng để thể hiện sự tức giận. Khi ai đó làm trái ý, bạn có thể gằn giọng là nói nà ní. Khi ấy câu nói sẽ mang nghĩa "mày đã làm cái gì vậy?".

Do đó, giới trẻ thường sử dụng "nà ní" để thể hiện tâm trạng bất ngờ, ngạc nhiên của bản thân. Cảm xúc của bản thân đi kèm với từ "nà ní" sẽ khiến cảm xúc bất ngờ của người nói được nhấn mạnh hơn. Khiến cho cuộc nói chuyện cũng trở nên sinh động hơn, vui vẻ, gần gũi và thân thiết hơn.

Ý nghĩa của từ Nà ní trong giới trẻ hiện nay

Thực tế cho thấy, việc sử dụng từ "nà ní" ở giới trẻ vẫn còn chưa đúng lúc đúng chỗ. Nên nhớ rằng, dây là một tiếng lóng, ngôn ngữ tuổi teen do đó không nên áp dụng trong khi giao tiếp với cả ông bà, cha mẹ những người lớn tuổi. Khi ấy không những phản tác dụng mà còn khiến cho người lớn không hiểu, cảm thấy bạn ăn nói lấc cấc, hỗn hào. Đối với những người bạn xa lạ, không thân thiết cho lắm, khi nghe bạn nói như thế cũng đôi phần cảm thấy khó chịu.

Trong trường hợp giao tiếp với những người bạn thân thiết, cùng lứa tuổi thì việc sử dụng từ nà ní giúp cho cuộc nói chuyện trở nên vui vẻ, hài hước và thoải mái hơn. Tuy nhiên, vẫn cần nhớ rằng Nà ní chỉ nên được sử dụng khi bạn đáp lại lời gọi của ai đó hoặc khi chưa nghe rõ câu hỏi, muốn hỏi lại lần nữa và trường hợp bày tỏ sự ngạc nhiên của mình, tránh lạm dụng một cách quá đà gây cảm giác khó chịu, ức chế cho người nghe.

Trước nay chưa có quy định, chuẩn mực nào trong việc sử dụng từ lóng ở giới trẻ, thế nhưng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đồng thời tránh gây mất thiện cảm, chúng ta nên sử dụng đúng lúc đúng chỗ, tránh lạm dụng. Không phải ai cũng có thể chấp nhận những từ ngữ mà họ chưa từng tiếp xúc và họ càng không thể hiểu được điều bạn đang muốn nói đến là gì dẫn đến hiệu quả giao tiếp không đạt được.

3. Tình trạng sử dụng từ lóng ở giới trẻ

Do tiếp thu nhiều các ngôn ngữ truyện tranh, điện ảnh vào đời sống, nhất là các ngôn ngữ từ nước ngoài cũng như tư duy sáng tạo của giới trẻ, nhiều từ "lóng" độc đáo, hài hước được ra đời và được sử dụng một cách phổ biến. Ban đầu, chỉ xuất hiện ở một nhóm người, thế nhưng nhờ có mạng xã hội, tốc độ lan truyền của chúng lan rộng ra theo cấp số nhân khiến chúng phổ biến không thua kém gì ngôn ngữ thông thường.

Tình trạng sử dụng từ lóng ở giới trẻ

Mặc dù việc sử dụng tiếng lóng khi nói chuyện với bạn bè sẽ giúp bạn bè cùng trang lứa hiểu nhau hơn, tạo không khí vui vẻ, mới lạ và năng động. Thế nhưng, không ít người đang đi quá giới hạn bằng cách lạm dụng nó vào trong học tập, công việc và giao tiếp với những người hơn tuổi khiến nhiều người cảm thấy hết sức phản cảm. Nhất là với những người lớn tuổi, có tư duy về văn hóa hoàn toàn khác với giới trẻ. Do đó, khi sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng xem có thể sử dụng từ lóng ấy trong trường hợp nào, đối tượng nào giúp bạn không bị mất điểm trong mắt người khác.

4. Mẹo giao tiếp tốt nhất

Cách giao tiếp trong cuộc sống có thể đánh giá tính cách, trình độ văn hóa của bạn. Chưa dừng lại ở đó, khi giao tiếp với người khác sẽ đem đến một mục đích nhất định. Do đó, mục đích có đạt được hay không còn phụ thuộc vào cách bạn giao tiếp. Dưới đây là một số mẹo giao tiếp cho bạn.

  • Khi giao tiếp với người lớn tuổi, người bề trên

Đối với những người lớn tuổi, bạn cần phải thể hiện được sự kính trọng của mình đối với họ bằng cách ăn nói lễ phép và lịch sự. Việc sử dụng kính ngữ ở đầu và cuối câu sẽ giúp bạn gây thiện cảm với những người lớn tuổi, từ đó gây được thiện cảm và ấn tượng tốt hơn. Có một lưu ý nho nhỏ, khi giao tiếp với người bề trên, bạn chỉ nên dùng từ ngữ thuần Việt, không nên thêm một số từ lóng hay chèn một vài từ tiếng anh vào, nó sẽ làm bạn mất điểm hoàn toàn đấy.

  • Khi giao tiếp với người lạ, đồng trang lứa

Mặc dù những người này đồng trang lứa với bạn, nhưng với họ bạn cũng chỉ là những người xa lạ, mới quen biết nên ấn tượng ban đầu sẽ ảnh hưởng đến việc mối quan hệ này có thể trở nên thân thiết hơn được hay không. Bạn nên giao tiếp một cách vừa phải, khôn khéo và không bị quá lố. Nói chuyện thân thiện, cởi mở nhưng không có nghĩa là sỗ sàng, tất cả phải có một chừng mực nhất định. Đặc biệt, hãy học cách nói xin lỗi và cảm ơn khi cần thiết.

  • Khi giao tiếp với bạn bè thân thiết đồng trang lứa

Đối với những người thân thiết, hiểu rõ bản chất, tính cách của bạn rồi thì nói chuyện cũng thoải mái, cởi mở và tự nhiên hơn. Bạn có thể thoải mái sử dụng từ lóng nhưng nên áp dụng đúng lúc, đúng chỗ sao cho cuộc trò chuyện trở nên vui vẻ, hài hước hơn.
Trên đây là những hiểu biết xoay quanh câu hỏi Nà ní là gì, ý nghĩa của từ nà ní trong giới trẻ hiện nay. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cụm từ này đồng thời biết khi nào nên sử dụng, khi nào không.

Viết bình luận